Page header image

Bệnh suyễn: Kiểm soát các yếu tố kích thích

(Asthma: Controlling Triggers)

________________________________________________________________________

CÁC ĐIỂM QUAN TRỌNG

  • Bệnh suyễn là một bệnh mãn tính về phổi có thể gây ra ho, thở khò khè, hoặc thở gấp.
  • Các triệu chứng có thể xấu đi khi con bạn tiếp xúc với những yếu tố kích thích bệnh suyễn như khói thuốc lá, phấn hoa, nấm mốc, bụi hoặc những thứ khác trong môi trường.
  • Giới hạn tiếp xúc với các nguồn trên có thể giúp ngăn chặn các vấn đề với con bạn.

________________________________________________________________________

Bệnh suyễn là một bệnh phổi kéo dài (mãn tính). Nó có thể gây ra ho, thở khò khè hoặc thở gấp.

Các triệu chứng của bệnh suyễn do hai vấn đề khác nhau trong đường khí gây ra.

  • Một vấn đề là các cơ trong đường khí co chặt, gây tức ngực và thở khò khè.
  • Một vấn đề khác là sưng tấy, kích ứng và quá nhiều dịch nhầy trong đường khí.

Nếu con bạn bị bệnh suyễn, các triệu chứng thường bắt đầu sau khi con bạn tiếp xúc với yếu tố kích phát. Yếu tố kích phát bệnh suyễn có thể bao gồm:

  • Tập thể dục và hoạt động thể chất khác
  • Yếu tố gây dị ứng, chẳng hạn như bụi, phấn hoa, nấm mốc hoặc vảy da lông động vật
  • Các yếu tố gây kích ứng phổi của con bạn, chẳng hạn như không khí lạnh, khói, hoặc các mùi mạnh như sơn hay nước hoa
  • Các thuốc chống viêm không có steroid (NSAID), ví dụ như aspirin, ibuprofen và naproxen

Cố gắng hạn chế sự tiếp xúc của con bạn với những yếu tố kích phát này, đặc biệt là ở những nơi mà con bạn dành nhiều thời gian như ở nhà hay ở trường.

Khói thuốc

Khói thuốc lá, tẩu thuốc và xì gà nói chung có hại cho cả trẻ em và người lớn, nhưng với những trẻ em bị mắc bệnh suyễn thì khói thuốc là một vấn đề lớn hơn. Trẻ em hít phải khói thuốc thụ động thường có các triệu chứng như ho, thở khò khè và cảm giác căng tức ở ngực.

Khói thuốc lá ám trên bề mặt được tạo thành từ các hóa chất độc hại còn lại trên các bề mặt. Khói thuốc ám trên thảm, sàn nhà, tường, quần áo và các bề mặt khác trong một thời gian dài. Trẻ em có thể bị phơi nhiễm các hóa chất này bằng việc chạm vào bề mặt và sau đó chạm vào miệng hoặc mũi chúng. Thậm chí chỉ cần mùi khói thuốc trên quần áo cũng có thể gây những triệu chứng bệnh suyễn ở một đứa trẻ có đường khí nhạy cảm. Trẻ em sống trong những gia đình có người hút thuốc cũng ít có khả năng khỏi hẳn bệnh suyễn hơn.

Trẻ em mắc bệnh suyễn không nên ở những nơi có khói thuốc. Mọi người không nên hút thuốc trong nhà và không nên hút thuốc trong xe hơi mà có trẻ bị bệnh suyễn ở đó. Không khí bay ra khỏi xe hơi và nhà không loại bỏ được khói thuốc ám trên các bề mặt.

Phấn hoa

Phấn hoa là những phần tử nhỏ mà thực vật như cây, cỏ, và cỏ dại phóng thích vào trong không khí. Lượng phấn hoa trong không khí ngoài trời thay đổi theo mùa và thời điểm trong ngày. Lượng phấn hoa và nấm mốc ngoài trời có xu hướng ít hơn vào sáng sớm và nhiều hơn vào buổi trưa và chiều.

Phấn hoa từ cỏ, cỏ dại và cây thường nhẹ và có thể bị cuốn vào trong không khí đi hàng dặm. Phấn hoa này bay vào mắt, mũi và đường khí, gây ra dị ứng và bệnh suyễn. Phấn hoa từ hoa thường nặng hơn và được mang từ cây này sang cây khác nhờ côn trùng hơn là nhờ gió. Do đó, phấn hoa từ hoa hiếm khi gây ra dị ứng. Mặc dù khó tránh hoàn toàn được phấn hoa nhưng có một số gợi ý sau:

  • Hãy đóng chặt cửa sổ nhà bạn, đặc biệt là phòng ngủ của con bạn, và sử dụng điều hòa không khí trung tâm trong suốt những mùa phấn hoa. Nếu sử dụng một điều hòa không khí phòng, hãy tái lưu thông không khí trong nhà hơn là kéo không khí từ bên ngoài vào. Các máy lọc không khí có thể hữu ích nếu các bộ lọc được giữ sạch sẽ. Các bộ lọc HEPA (lọc bụi trong không khí hiệu năng cao) là tốt nhất. Rửa hoặc thay các bộ lọc không khí một tháng một lần hoặc theo hướng dẫn đi kèm sản phẩm.
  • Sau khi ở ngoài trời trong suốt mùa dị ứng, con bạn cần tắm và thay quần áo ngay lập tức. Không để quần áo bẩn trong phòng ngủ bởi vì có thể có phấn hoa trên quần áo.
  • Hãy cắt cỏ thường xuyên. Việc này giúp hạn chế lượng phấn hoa được phóng ra. Con bạn không nên ở ngay khu vực đang cắt cỏ.

Nấm mốc

Nấm mốc được tìm thấy quanh năm khắp nhà, ngoài trời và trong thức ăn, nhưng đặc biệt là ở những khu vực có độ ẩm cao. Nấm mốc lan tỏa vào trong không khí cả ngoài trời lẫn trong nhà. Phòng tắm và các tầng hầm ẩm ướt thường là những nơi cho nấm mốc phát triển. Nấm mốc cũng rất có khả năng phát triển trong các máy phun sương (nước), máy tạo ẩm, nhà tắm, khay hứng nhỏ giọt và khay đựng dưới cùng của tủ lạnh. Sau đây là một số cách để làm giảm sự phát triển của nấm mốc:

  • Ánh sáng và thông gió ngăn ngừa sự phát triển của nấm mốc. Trong phòng tắm, làm sạch gạch lát, sàn, rèm tắm, và bồn tắm một cách thường xuyên và kỹ lưỡng. Làm sạch cả bên dưới bồn rửa. Sử dụng dung dịch làm sạch khử được nấm mốc. Ví dụ, bạn có thể sử dụng thuốc tẩy gia đình pha loãng (1 cốc thuốc tẩy pha với 10 cốc nước). Hãy chắc chắn mở các cửa sổ ở khu vực sử dụng thuốc tẩy để tránh hít phải hơi thuốc.
  • Sửa chữa các vòi nước và ống dẫn bị rò rỉ. Cố gắng không để xảy ra rò rỉ và nước đọng.
  • Sử dụng sơn thay vì giấy dán tường cho tường nhà bạn. Sơn dầu có khả năng ngăn chặn nấm mốc phát triển tốt hơn là sơn latex. Có thể thêm một chất chống nấm vào sơn để ngăn nấm mốc phát triển.
  • Tốt nhất là giữ độ ẩm trong nhà ở trong khoảng 30 đến 50%. Hãy mua một máy hút ẩm để loại bớt độ ẩm ra khỏi không khí nếu bạn sống trong khí hậu ẩm. Các máy hút ẩm có thể giúp ngăn chặn nấm mốc phát triển trong các khu vực ẩm ướt như tầng hầm. Hãy tìm kiếm những khu vực bị ẩm ướt do mưa lớn và sửa lại mọi chỗ rò rỉ mà bạn thấy. Thường xuyên đổ nước và làm sạch khay hứng nhỏ giọt.
  • Nếu bạn có thể, hãy tránh dùng những máy phun sương, máy làm bay hơi và các máy tạo ẩm có bình chứa, bởi vì chúng là những nơi lý tưởng cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển. Khi những thiết bị này vận hành, nấm mốc và vi khuẩn có thể được phun ra khắp nhà. Nếu bạn sử dụng một thiết bị nào trong số này, hãy đổ bình chứa mỗi ngày, làm sạch với nước và xà phòng, và lau khô hoàn toàn. Chỉ nên làm đầy lại bình chứa ngay trước khi sử dụng.
  • Nhà kính, cọc giàn ủ phân, và những nhà có nhiều cây cũng thường xuyên có nấm mốc. Dùng lá để che phủ đất trong chậu của cây trồng trong nhà để làm giảm sự lây lan của các bào tử nấm mốc.

Bụi nhà

Có nhiều thứ trong bụi nhà, bao gồm bụi đất, mảnh vụn côn trùng, bọ bụi, nấm mốc, vảy lông thú, da chết, mẩu vụn thức ăn và vi khuẩn. Bụi bám lên mọi đồ vật trong nhà, kể cả nệm, ghế, quần áo, thảm chùi chân, màn và thú nhồi bông. Khó tránh được bụi nhà, nhưng những ý tưởng sau sẽ giúp ích:

  • Tránh bừa bộn và những chỗ bắt bụi, nhất là trong phòng ngủ. Những chỗ này bao gồm đồ trang trí, đồ treo tường (tranh ảnh, cờ hiệu, và vải dán tường), màn, mành hoặc rèm cửa, chồng sách, và đống giấy tờ hoặc đồ chơi.
  • Khi có thể, hãy đưa cho con bạn những đồ chơi nhồi bông "không gây dị ứng" và có thể giặt sạch được. Đối với trẻ em muốn ngủ với những đồ chơi mềm, chỉ nên để một hoặc hai đồ chơi mềm trên giường và giặt sạch chúng mỗi tuần trong nước nóng (ít nhất 130° F). Cất đồ chơi, búp bê, và các dụng cụ chơi bên ngoài phòng ngủ hoặc trong tủ.
  • Giữ cửa tủ phòng ngủ luôn đóng. Hút bụi sàn tủ thường xuyên. Chỉ cất quần áo trong mùa vào trong tủ.
  • Sàn để trần là tốt nhất. Bạn có thể thay thế thảm trải sàn bằng những tấm thảm chùi chân không trượt, có thể giặt sạch được. Thường xuyên lau ẩm sàn. Nếu bạn có thảm trải sàn, hãy hút bụi thường xuyên và kỹ lưỡng. Thay các bộ lọc của máy hút bụi thường xuyên. Hút bụi và phủi bụi vào sáng sớm trong ngày để bụi lắng xuống trước khi ngủ trưa hoặc ngủ tối. Tốt nhất là hút bụi khi con bạn không ở nhà hoặc để con bạn ở một khu vực khác trong nhà từ 30 đến 60 phút sau khi bạn hút bụi. Cần đảm bảo lau sạch cả bên dưới đồ đạc trong nhà và bên trong tủ quần áo.
  • Nệm cần được phủ bằng những tấm phủ sợi nhỏ dệt chống dị ứng. Bạn có thể có được những tấm phủ chống gây dị ứng ở những nơi bán khăn trải giường bằng vải lanh. Khóa kéo hoặc những chỗ mở cần được viền lại. Chỉ sử dụng gối bằng polyester. Bọc gối bằng các tấm bọc chống gây dị ứng hoặc giặt gối mỗi tuần trong nước nóng. Giặt cả chăn, ga trải giường và vỏ gối trong nước rất nóng (hơn 130° F, hay 54.4° C) mỗi tuần. Có thể sử dụng nước mát hơn kèm với chất tẩy và thuốc tẩy cũng được. Tránh các sản phẩm làm từ lông vũ, len, bông gạo, hoặc bọt xốp.
  • Những lò có luồng gió cưỡng bách và máy điều hòa không khí nên có một hệ thống lọc bụi. Cứ 2 đến 4 tuần, cần thay các bộ lọc. Các bộ lọc có thể được cắt ra để che các lỗ thông hơi trong phòng nếu các bộ lọc của lò trung tâm không được thay sau mỗi 2 tuần. Các ống dẫn khí ấm và lạnh cần được làm sạch một cách chuyên nghiệp ít nhất sau mỗi 4 đến 5 năm.

Vật nuôi

Các chất gây dị ứng được tìm thấy trong nước bọt, vảy da lông và nước tiểu của động vật. Chúng gây ra các phản ứng dị ứng ở nhiều người. Trẻ em có thể nhạy cảm với một loài động vật, chẳng hạn như mèo, hơn loài khác. Tất cả các động vật có lông đều có thể gây ra các phản ứng dị ứng. Các loài bò sát máu lạnh, như rắn, rùa, thằn lằn, và cá không gây vấn đề.

Nếu con bạn nhạy cảm với động vật và có một con vật nuôi, điều tốt nhất là không nuôi con vật đó trong nhà nữa. Việc cho đi một con vật nuôi của gia đình là rất khó khăn, nhưng nếu con của bạn quá nhạy cảm thì điều đó có lẽ là cần thiết. Khi con vật nuôi đã đi khỏi nhà, cần lau chùi nhà cửa thật kỹ lưỡng. Đặc biệt quan trọng là làm sạch các đồ có vật độn, bề mặt tường, thảm chùi chân, màn, và các hệ thống làm lạnh và sưởi ấm.

Nếu bạn giữ lại con vật nuôi mà con của bạn bị dị ứng thì con vật nuôi đó cần sống ở bên ngoài và KHÔNG BAO GIỜ được vào trong phòng ngủ của con bạn. Giữ cho cửa phòng ngủ của con bạn luôn đóng. Hãy giữ các con vật nuôi khỏi các khu vực của gia đình và các phòng mà trẻ em bị bệnh suyễn luôn ngủ ở đó. Làm những điều sau có thể giúp bạn:

  • Tắm cho các con vật nuôi hàng tuần. Kiểm tra với bác sĩ thú y của bạn nếu bạn có thắc mắc về tần suất bạn tắm cho vật nuôi của mình.
  • Rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với một con vật nuôi.
  • Nhờ các thành viên trong gia đình không bị dị ứng tắm, chải hoặc chải lông cho các vật nuôi, hoặc làm sạch các chuồng động vật hay hộp xả rác bên ngoài.
  • Thay các bộ lọc của lò và điều hòa không khí một cách thường xuyên.

Gián

Gián và phân của chúng là yếu tố gây dị ứng chủ yếu và làm các triệu chứng của bệnh suyễn xấu đi. Để loại bỏ gián:

  • Để thức ăn và rác thải trong các hộp có nắp đậy chặt. Đổ rác thường xuyên.
  • Không bao giờ để rơi thức ăn ra bên ngoài. Đặc biệt là không để thức ăn trong phòng ngủ. Không được bỏ quên thức ăn của vật nuôi hoặc các bát thức ăn bẩn.
  • Hút bụi hoặc quét sàn, rửa bát đĩa, và lau sạch bàn và bếp ngay sau bữa ăn.
  • Bít lại các vết nứt xung quanh nhà để ngăn không cho gián xâm nhập vào.
  • Không tích trữ các túi giấy, báo hoặc các hộp các tông.
  • Dùng các hộp bả và các chất độc chống gián an toàn với môi trường khác. Để những sản phẩm này cách xa trẻ em và vật nuôi.

Tập thể dục và hoạt động thể chất khác

Khi lên cơn suyễn do kích ứng vận động, con của bạn có thể có những triệu chứng sau:

  • Trong hoặc sau hoạt động thể chất và khi bị khó thở, thở nặng nhọc hoặc nhanh
  • Khi không khí lạnh
  • Khi độ ẩm rất thấp hoặc rất cao
  • Khi có nhiều ô nhiễm không khí
  • Khi có nhiều chất gây dị ứng trong không khí

Con bạn không cần phải tránh tất cả các vận động và các hoạt động thể chất khác. Tập các bài tập làm nóng người trước một bài tập mạnh có thể giúp phòng ngừa cơn suyễn. Con bạn thường có thể tránh các triệu chứng bằng cách sử dụng thuốc giảm suyễn nhanh 15 đến 30 phút trước khi vận động.

Ô nhiễm không khí

Các loại tác nhân gây ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời khác nhau có thể làm trầm trọng thêm bệnh suyễn. Các tác nhân này bao gồm khí ozon, bụi, khói thuốc, hơi sơn, và các loại nước hoa hay mùi mạnh. Các điều kiện thời tiết như nhiệt độ lạnh và độ ẩm thấp có thể khiến cho bệnh suyễn xấu đi, đặc biệt là vào những ngày ô nhiễm cao.

  • Kiểm tra các dịch vụ tin tức để biết được các chỉ số ô nhiễm hàng ngày và lượng phấn hoa.
  • Tránh các hoạt động thể chất không cần thiết ngoài trời vào những ngày mà chỉ số ô nhiễm và lượng phấn hoa cao.
  • Tránh sử dụng bếp hoặc lò sưởi đốt bằng gỗ, máy sưởi dầu hỏa, hoặc máy sưởi hay bếp ga không ống thông hơi.
  • Tránh tiếp xúc trong nhà với nước hoa, phấn rôm, keo xịt tóc, nước hoa xịt phòng, chất làm mềm vải, thảm mới hoặc tấm mùn cưa, hay các loại mùi mạnh hoặc thuốc xịt khác.

Sulfite

Sulfite là một chất bảo quản thực phẩm được tìm thấy ở những loại thực phẩm nhất định như tôm, cá ngừ đóng hộp, hoa quả sấy khô, dưa chua, ô-liu và các thực phẩm khác. Sulfite hiếm khi nhưng có thể gây suyễn nghiêm trọng ở một số trẻ em.

Thuốc

Hội chứng aspirin gây trầm trọng bệnh lý đường hô hấp (AERD) là bệnh suyễn phát sinh do uống aspirin hoặc các NSAID khác. Aspirin, ibuprofen, và naproxen là các NSAID. Loại suyễn này không phổ biến ở trẻ em.

Nếu con bạn bị suyễn, hãy sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) ví dụ như ibuprofen một cách thận trọng. Không cho trẻ em từ 18 tuổi trở xuống uống aspirin trừ khi được nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn yêu cầu. Việc này là do nguy cơ hội chứng Reye (một bệnh gây viêm não và viêm gan).

Cảm lạnh và cúm

Cảm lạnh và cúm khiến cho bệnh suyễn xấu đi và thường kích phát các giai đoạn của bệnh suyễn. Để giúp phòng tránh cảm lạnh và cúm:

  • Cố gắng tránh tiếp xúc gần với những người đang bị cảm lạnh hoặc cúm.
  • Dạy con bạn cách rửa tay trước khi ăn và khi tiếp xúc với những người có thể bị cảm lạnh hoặc cúm.
  • Chăm sóc sức khỏe của con bạn. Giúp con bạn ngủ ít nhất từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm và ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh. Con bạn phải năng hoạt động về thể chất theo lời khuyên từ nhà cung cấp dịch vụ của con bạn.
  • Đảm bảo con bạn được chích ngừa cúm hàng năm. Điều này giúp phòng tránh những biến chứng của bệnh cúm cho trẻ em bị bệnh suyễn.
Developed by Change Healthcare.
Pediatric Advisor 2022.1 xuất bản bởi Change Healthcare.
Sửa đổi lần cuối: 2019-06-19
Xét duyệt lần cuối: 2021-06-15
Nội dung này được xét duyệt định kỳ và có thể thay đổi khi có thông tin y tế mới. Thông tin nhằm mục đích cung cấp tin tức và giáo dục và không thay thế cho các đánh giá, tư vấn, chẩn đoán hay điều trị y tế từ một chuyên gia y tế.
© 2022 Change Healthcare LLC and/or one of its subsidiaries
Page footer image