Page header image

Rối loạn Ám ảnh Cưỡng chế ở Trẻ em và Thanh thiếu niên

(Obsessive-Compulsive Disorder in Children and Teens)

________________________________________________________________________

CÁC ĐIỂM QUAN TRỌNG

  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một tình trạng trong đó con bạn liên tục suy nghĩ về một điều gì đó (ám ảnh) khiến con bạn lo lắng. Con bạn có thể lặp đi lặp lại một số hành động nhất định (cưỡng chế) để giúp kiểm soát sự lo lắng.
  • Điều trị có thể bao gồm liệu pháp ngăn ngừa tiếp xúc và hưởng ứng, dùng thuốc và học cách thư giãn.

________________________________________________________________________

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì?

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là một tình trạng ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của bạn. Nếu bị OCD, con bạn liên tục có suy nghĩ không mong muốn về một điều gì đó gây ra sự lo âu. Con của bạn có thể lặp đi lặp lại một số hành động nhất định để giúp kiểm soát sự lo lắng. Ví dụ, nếu cậu bé liên tục lo lắng về vi trùng hoặc bị ốm, cậu bé có thể rửa tay mỗi giờ. Các suy nghĩ liên tục đó được gọi là những ám ảnh. Các hành động đó được gọi là các cưỡng chế. Con bạn có thể dành ra hàng giờ mỗi ngày để lặp đi lặp lại một số hành động nhất định. Chúng được gọi là các nghi thức. Con bạn có thể chỉ có ám ảnh hoặc cưỡng chế, hoặc cả hai

Con bạn có thể luôn luôn bị chứng rối loạn này, nhưng điều trị có thể giúp bé nhận ra và chế ngự các triệu chứng. OCD có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng và sau đó biến mất hoặc giảm đáng kể. Nó có thể xuất hiện trở lại trong những năm trưởng thành. Các tiến bộ về liệu pháp và các thuốc mới đang giúp nhiều người bị OCD.

Nguyên nhân là gì?

Nguyên nhân chính xác của chứng rối loạn này vẫn chưa được xác định. Những điều chúng ta biết là:

  • Não bộ sản sinh ra các chất hóa học có ảnh hưởng đến những suy nghĩ, các cảm xúc và những hành động. Nếu không có sự cân bằng chính xác các hoá chất này, có thể nảy sinh các vấn đề trong cách con bạn suy nghĩ, cảm nhận, hoặc hàng động. Một đứa trẻ bị chứng rối loạn này có thể có quá ít hoặc quá nhiều một vài trong số các hóa chất này.
  • OCD có xu hướng di truyền trong gia đình.
  • Lạm dụng thể chất hoặc tình dục trẻ em làm tăng nguy cơ bị OCD.
  • Những người bị chứng rối loạn này có thể có những khác biệt ở các bộ phận nhất định trong não của họ. Các khác biệt này có thể có nghĩa là một số phần của bộ não của con bạn hoạt động tích cực hơn hoặc ít tích cực hơn so với những người khác.
  • OCD có thể phát triển hoặc trở nên xấu đi sau khi bị nhiễm khuẩn liên cầu.
  • OCD thường xảy ra cùng với các rối loạn tâm trạng như các rối loạn lo âu khác, trầm cảm và rối loạn cảm xúc lưỡng cực.
  • Trẻ em đã được chẩn đoán mắc hội chứng Tourette dễ có khả năng phát triển OCD hơn. Trẻ em bị hội chứng Tourette có thể lặp đi lặp lại các cử động nhỏ của khuôn mặt, bàn tay, hoặc chân mà chúng không thể kiểm soát. Chúng cũng có thể nói những từ hoặc phát ra các âm thanh khác mà chúng không thể kiểm soát.

Trẻ em có thể cho thấy dấu hiệu của OCD vào đầu những năm trước tuổi đến trường, nhưng bệnh thường được chẩn đoán khi trẻ em ở độ tuổi từ 10 và 15.

Những triệu chứng là gì?

Trẻ em bị OCD có thể chỉ có các ám ảnh hoặc các cưỡng chế, nhưng phần lớn chúng thường có cả hai. Nhiều trẻ em bị OCD biết rằng các suy nghĩ và hành động của chúng là không bình thường.

Các loại ám ảnh và cưỡng chế trẻ em có phụ thuộc vào độ tuổi của chúng. Các ám ảnh và cưỡng chế có thể thay đổi khi trẻ lớn lên. Trẻ em bị OCD có thể có các triệu chứng như:

  • Vệ sinh: Trẻ em thường rửa tay hoặc đánh răng nhiều lần một ngày. Chúng có thể từ chối chạm vào mọi thứ bằng tay, sử dụng một lớp bảo vệ (khăn giấy hoặc cổ tay áo) để chạm vào các thứ. Chúng có thể phát triển các thói quen kỳ lạ như bật và tắt các thứ bằng chân của mình.
  • Lặp đi lặp lại: Chúng có thể đậy nắp kem đánh răng 20 lần đến khi chúng cảm thấy chắc chắn rằng nó đã được đậy chặt. Hoặc chúng có thể bật và tắt công tắc đèn và tắt một số lần đến khi chúng chắc chắn rằng nó đã tắt.
  • Kiểm tra: Trẻ có thể muốn quay lại phòng của mình nhiều lần để chắc chắn rằng trò chơi video được tắt. Bạn có thể cần phải trấn an chúng nhiều lần để ngăn chúng cứ đến phòng của chúng.
  • Sắp xếp: Trẻ có thể rất lo lắng nếu vật gì đó không nằm đúng vị trí hoặc không theo trật tự mà chúng cho là đúng.

Cùng với các triệu chứng chính, trẻ em bị OCD có thể:

  • Sắp xếp mặt bàn hoặc nơi chúng ngồi ở bàn bếp cho đến khi hoàn toàn ngăn nắp
  • Cảnh giác mọi lúc, hoặc dễ giật mình
  • Liên tục nghĩ rằng điều gì đó xấu sẽ xảy ra
  • Cảm thấy tự ti khi không có khả năng kiểm soát các triệu chứng
  • Gặp vấn đề với việc hoàn thành bài tập về nhà và các giấy tờ khi chúng tập trung để khiến mọi thứ hoàn hảo
  • Có các nghi thức liên quan đến thức ăn và ăn uống, ăn kém, hoặc là một người rất kén ăn
  • Gặp vấn đề khi tập trung do lo lắng về các triệu chứng OCD

Các triệu chứng có thể chỉ xảy ra ở những nơi nhất định, ví dụ, xảy ra tại nhà nhưng không xảy ra tại trường. Các triệu chứng cũng có thể xảy ra tại một thời điểm nhất định, chẳng hạn như vào giờ ngủ hoặc khi trẻ em đang chuẩn bị đi học.

Một đứa trẻ bị OCD có thể muốn thay đổi những điều các thành viên trong gia đình làm. Ví dụ, đứa trẻ có thể khăng khăng đòi quần áo phải được giặt nhiều lần, yêu cầu cha mẹ lặp đi lặp lại việc kiểm tra bài tập về nhà của chúng, hoặc nổi giận nếu vật dụng trong nhà không ngăn nắp.

Cùng với OCD, trẻ em có thể có các vấn đề khác như:

  • Sự lo lắng nói chung trong phần lớn thời gian
  • Trầm cảm hoặc nghĩ đến việc tự vẫn
  • Rối loạn ăn uống
  • Rối loạn căng thẳng sau chấn thương
  • Các vấn đề lạm dụng ma túy và rượu, bao gồm việc sử dụng cần sa, rượu, hoặc thuốc an thần để cố gắng kiểm soát hoặc tránh các triệu chứng của chúng

Bệnh được chẩn đoán như thế nào?

Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em hoặc một nhà trị liệu sức khỏe tâm thần của bạn sẽ hỏi về triệu chứng của đứa trẻ, lịch sử bệnh lý và tiền sử gia đình, và bất kỳ loại thuốc nào đứa trẻ đang sử dụng. Bác sĩ sẽ đảm bảo rằng con của bạn không bị mắc một chứng bệnh hoặc vấn đề về ma túy hoặc rượu mà có thể gây ra các triệu chứng.

Cần phải có chuyên gia có kinh nghiệm để làm việc với con bạn dù ở lứa tuổi nhỏ hay thanh thiếu niên. Nhà trị liệu của con bạn sẽ cần phải thường xuyên kiểm tra các triệu chứng và thuốc của con bạn.

Bệnh được điều trị như thế nào?

Liệu pháp

Có một số phương pháp điều trị hành vi nhận thức giúp dạy cho trẻ cách kiểm soát hoặc dừng những suy nghĩ ám ảnh và các hành vi cưỡng chế.

Liệu pháp ngăn ngừa tiếp xúc và hưởng ứng là một loại CBT đã mang lại sự thuyên giảm cho nhiều trẻ em bị OCD. Liệu pháp này bao gồm việc để trẻ em đối mặt với những nỗi sợ hãi của mình bằng cách tăng dần sự tiếp xúc với chúng. Ví dụ, nếu một đứa trẻ rửa tay của mình mọi lúc bởi vì sợ bị bẩn, nhà trị liệu có thể bảo đứa trẻ chạm vào thứ gì đó bẩn. Sau đó cả hai có thể đứng ở bồn rửa và không rửa tay cho đến khi sự lo lắng mất đi. Liệu pháp này cần có thời gian, và phần lớn công việc được thực hiện tại nhà cũng như khi cùng với nhà trị liệu. Trẻ em học cách để kiểm soát phản ứng của cơ thể đối với sự lo âu, như các bài tập hít thở. Cùng với việc luyện tập, những suy nghĩ ám ảnh không làm chúng lo âu như vậy nữa, và chúng có thể ngăn các hành vi cưỡng chế trong các chu kỳ thời gian dài hơn.

Các liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) khác giúp trẻ em nhận biết về những suy nghĩ nào đi kèm với các cảm giác thôi thúc phải hành động của chúng và làm thế nào để kiểm soát các cảm giác đó. CBT cũng dạy các kỹ năng chế ngự sự lo âu về các triệu chứng.

Liệu pháp gia đình cũng có thể hữu ích. Liệu pháp gia đình điều trị cả gia đình chứ không chỉ là trẻ em. Trẻ em thường cảm thấy rất được hỗ trợ khi cha mẹ và anh chị em tham gia liệu pháp với chúng và làm việc như một nhóm.

Thuốc

Nếu một đứa trẻ có các triệu chứng trầm trọng, có thể tốt nhất phải kết hợp cả CBT và thuốc. Một số loại thuốc có thể giúp điều trị OCD. Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ trẻ em sẽ làm việc với bạn và con bạn để lựa chọn thuốc tốt nhất. Con bạn có thể cần phải sử dụng nhiều hơn một loại thuốc. Con bạn cần uống thuốc theo như đơn kê, ngay cả khi con bạn cảm thấy khỏe hơn. Nếu con bạn ngừng uống thuốc quá sớm, các triệu chứng OCD có thể quay lại.

N-acetylcysteine có thể giúp ích khi làm chất điều trị bổ sung cho OCD. Các thuốc bổ sung chưa được kiểm tra hoặc chuẩn hóa và có thể khác nhau về cường độ và hiệu quả. Chúng có thể có tác dụng phụ và không phải lúc nào cũng an toàn. Nói chuyện với nhà cung cấp của con bạn trước khi bạn dùng thử các sản phẩm thảo dược hoặc thực phẩm bổ sung để điều trị OCD của trẻ.

Tôi có thể giúp con mình như thế nào?

Bạn có thể nhận thấy mình thường xuyên rửa hoặc không chạm vào các thứ, hoặc làm một số việc theo một cách nhất định nào đó, để bớt đi cảm giác lo lắng của người bị OCD. Nói chuyện với chuyên gia trị liệu của con bạn để giúp quyết định liệu các thành viên gia đình có nên tiếp tục làm điều này hay không, và học cách giúp đỡ tốt nhất cho con bạn.

  • Hỗ trợ con bạn. Để con bạn nói về những cảm giác sợ hãi nếu bé cảm thấy sẵn sàng làm điều đó. Không ép buộc chuyện đó nếu con bạn không cảm thấy muốn chia sẻ những suy nghĩ của cậu bé. Không chỉ trích con bạn vì các triệu chứng hoặc hành động trẻ con hơn tuổi của bé. Để con bạn biết rằng cậu bé an toàn và được bảo vệ. Sự hỗ trợ và thấu hiểu mà bạn dành cho con bạn có thể giúp chúng đối phó với các cảm xúc sợ hãi.

    Liên hệ với giáo viên, người trông trẻ và những người khác quan tâm đến con bạn để chia sẻ thông tin về các triệu chứng mà con bạn có thể có.

  • Giúp con bạn học cách chế ngự căng thẳng. Dạy trẻ em và trẻ vị thành niên luyện tập thở sâu hoặc các kỹ thuật thư giãn khi cảm thấy căng thẳng. Giúp con bạn tìm ra cách thư giãn. Ví dụ làm một việc yêu thích, nghe nhạc, vui chơi, xem phim hoặc đi dạo.
  • Chăm sóc sức khỏe thể chất của con bạn. Đảm bảo con bạn có chế độ ăn lành mạnh, ngủ đủ và tập thể dục hàng ngày. Dạy trẻ em và trẻ vị thành niên tránh xa rượu, caffein, nicotin và ma túy.
  • Kiểm tra các loại thuốc của con bạn. Để giúp phòng tránh vấn đề, cho nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và dược sĩ của bạn biết về tất cả các loại thuốc, phương pháp điều trị tự nhiên, vitamin và các chất bổ sung khác mà con bạn đang dùng. Nếu con bạn đã được kê đơn thuốc điều trị OCD, đảm bảo trẻ uống thuốc theo hướng dẫn.
  • Tìm hiểu về tình trạng của con bạn. Biết rõ cách OCD có thể ảnh hưởng đến con bạn sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn phương thức điều trị, các loại thuốc và thay đổi lối sống có thể giúp bạn. Để biết các triệu chứng, bạn nên gọi cho nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc chuyên gia trị liệu của bạn.
  • Liên hệ nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc chuyên gia trị liệu của bạn nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào hay triệu chứng của con bạn có vẻ trở nên trầm trọng hơn.

Yêu cầu chăm sóc cấp cứu nếu con bạn hoặc trẻ vị thành niên có ý tưởng tự tử, tự làm hại bản thân hoặc làm hại người khác.

Để biết thông tin chi tiết, liên hệ:

  • Tổ chức Ám ảnh Cưỡng chế (The Obsessive-Compulsive Foundation, Inc.)
    203-878-5669
    https://iocdf.org/
  • Liên minh Quốc gia trợ giúp Người mắc bệnh tâm thần (National Alliance on Mental Illness, NAMI)
    800-950-6264
    https://www.nami.org
  • Tổ chức Sức khỏe Tâm thần Hoa Kỳ (Mental Health America)
    800-969-6642
    https://www.mhanational.org/
Developed by Change Healthcare.
Pediatric Advisor 2022.1 xuất bản bởi Change Healthcare.
Sửa đổi lần cuối: 2019-11-21
Xét duyệt lần cuối: 2019-12-23
Nội dung này được xét duyệt định kỳ và có thể thay đổi khi có thông tin y tế mới. Thông tin nhằm mục đích cung cấp tin tức và giáo dục và không thay thế cho các đánh giá, tư vấn, chẩn đoán hay điều trị y tế từ một chuyên gia y tế.
© 2022 Change Healthcare LLC and/or one of its subsidiaries
Page footer image