Page header image

Căng thẳng ở trẻ em và trẻ vị thành niên

(Stress in Children and Teens)

________________________________________________________________________

CÁC ĐIỂM QUAN TRỌNG

  • Khi con bạn cảm thấy căng thẳng, cơ thể sẽ giải phóng các hóa chất vào trong máu. Bị căng thẳng quá mức hoặc căng thẳng trong thời gian dài có thể gây tích tụ hóa chất. Điều này có thể gây tổn hại đến thể chất và cảm xúc của con bạn.
  • Có thể điều trị căng thẳng bằng cách tập thể dục và học các kỹ thuật thư giãn. Thuốc có thể được dùng trong một thời gian ngắn để hỗ trợ chứng lo âu hoặc trầm cảm cho đến khi căng thẳng được giải tỏa. Liệu pháp cá nhân, nhóm và gia đình có thể mang đến sự hỗ trợ, giúp giảm sợ hãi và lo lắng.
  • Thử giúp con bạn tìm kiếm các phương pháp lành mạnh để đối phó với căng thẳng. Nên gặp chuyên gia trị liệu để được hỗ trợ khi con bạn có quá nhiều căng thẳng.

________________________________________________________________________

Căng thẳng là gì?

Căng thẳng là cách cơ thể phản ứng với mọi loại nhu cầu hoặc thay đổi. Khi con bạn cảm thấy căng thẳng, cơ thể sẽ giải phóng các hóa chất vào trong máu. Các hóa chất này cung cấp năng lượng để chiến đấu hoặc chạy trốn. Nó giúp con bạn tập trung và tăng năng lượng nếu trẻ đang gặp nguy hiểm về thể chất. Nhưng căng thẳng gây ra bởi những vấn đề mà con bạn không thể chiến đấu hoặc chạy trốn có nghĩa là các hóa chất này không thể thoát ra. Cơ thể của con bạn phản ứng bằng cách tăng huyết áp và khiến tim làm việc nhiều hơn. Loại căng thẳng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tâm thần của con bạn. Nhiều ca khám tại các nhà cung cấp dịch vụ y tế là những tình trạng liên quan đến căng thẳng.

Nguyên nhân là gì?

Căng thẳng có thể do cả trải nghiệm tốt và trải nghiệm xấu gây ra. Tới trường, bắt đầu công việc mới, hẹn hò và đương đầu với bệnh tật, tất cả đều có thể gây căng thẳng. Tất cả chúng ta đều gặp phải căng thẳng trong cuộc đời mình và một chút căng thẳng thậm chí còn tốt cho chúng ta. Một số trẻ em khẳng định rằng các em làm được nhiều việc hơn nếu có thời hạn. Tuy nhiên căng thẳng quá mức hoặc trong thời gian kéo dài sẽ có hại.

Bất cứ việc gì mà con bạn coi là một vấn đề đều có thể gây ra căng thẳng. Những sự việc khác nhau có thể gây căng thẳng cho nhiều trẻ em khác. Căng thẳng có thể xuất phát từ các vấn đề hàng ngày, như làm bài tập ở nhà hoặc kiểm tra, cũng như những vấn đề lớn, bao gồm:

  • Thay đổi trong gia đình, như chuyển nhà, ly hôn, ốm nặng, tử vong hay sinh con
  • Lạm dụng
  • Bị bắt nạt
  • Lo lắng và thành tích và suy nghĩ của những người khác
  • Xung đột gia đình
  • Đau buồn hoặc mất mát
  • Kết bạn mới hoặc cãi nhau với các bạn hiện tại
  • Áp lực trước các bạn đồng lứa về việc ăn cắp đồ, hút thuốc hoặc sử dụng ma túy
  • Những vấn đề về tài chính gia đình
  • Các thành viên trong gia đình lạm dụng rượu hoặc thuốc
  • Các sự kiện xã hội như tiệc tùng hoặc hẹn hò
  • Thảm họa tự nhiên hay do con người gây ra

Nhiều sự kiện căng thẳng trong một thời gian ngắn có thể có tác động lớn hơn đối với con bạn. Caffeine và một số thuốc, như thuốc kích thích, có thể làm tình trạng căng thẳng trở nên tồi tệ hơn.

Những triệu chứng là gì?

Các triệu chứng của căng thẳng có thể bao gồm:

  • Đau lưng, đau đầu hoặc đau bụng
  • Thay đổi về cảm giác ngon miệng, ợ nóng hoặc khó chịu ở dạ dày
  • Thay đổi về thói quen tiểu tiện và đại tiện
  • Cáu giận, tức giận hoặc bất tuân
  • Lo âu
  • Buồn chán
  • Giảm năng lượng
  • Căng cơ
  • Khó tập trung hoặc ghi nhớ mọi việc
  • Khó ngủ và mệt mỏi
  • Tăng cân hoặc giảm cân

Bệnh được chẩn đoán như thế nào?

Nhà cung cấp dịch vụ y tế sẽ hỏi về các triệu chứng của con bạn và khám cho con bạn. Căng thẳng có thể gây ra các triệu chứng thường gặp, như đau đầu hoặc các vấn đề về tiêu hóa, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhà cung cấp dịch vụ sẽ đảm bảo con bạn không mắc bệnh lý y tế có thể gây ra các triệu chứng này.

Bệnh được điều trị như thế nào?

Liệu pháp

Liệu pháp (cá nhân, nhóm hoặc gia đình) có thể mang đến sự hỗ trợ, giúp con bạn học thêm các phương thức hiệu quả để đối phó với căng thẳng và giảm sợ hãi và lo lắng.

Thuốc

Con bạn có thể được kê thuốc để giúp giảm các triệu chứng trầm cảm hoặc lo lắng và giúp con bạn đối phó với căng thẳng. Thuốc có thể được dùng trong một thời gian ngắn để hỗ trợ cho đến khi căng thẳng được giải tỏa.

Tập thể dục

Tập thể dục là một cách tốt để giảm căng thẳng. Hoạt động thể chất tăng cường các hóa chất, có tên là endorphin, trong cơ thể để giúp con bạn cảm thấy thư thái. Việc tập trung chơi bóng đá hoặc tập thể dục nhịp điệu cũng có thể giúp con bạn quên đi vấn đề đang khiến trẻ bận tâm trong một thời gian. Tập thể dục cũng giúp giãn căng cơ, giúp con bạn cảm thấy có thêm năng lượng và ngủ tốt hơn.

Khuyến khích con bạn chơi một môn thể thao, tham gia nhóm tập thể dục hoặc đi bộ ít nhất một dặm một ngày. Tìm một hoạt động mà con bạn thích và giúp con bạn thư giãn. Việc này sẽ không giúp ích nếu việc cố gắng phù hợp với một chương trình tập thể dục khiến con bạn cảm thấy căng thẳng hơn!

Thư giãn

Để học được các kỹ năng thư giãn, bạn cần thực hành. Học cách thư giãn có thể:

  • Giúp con bạn ngủ tốt hơn
  • Khiến con bạn quên đi những vấn đề đang làm con bạn bận tâm
  • Giúp điều trị các triệu chứng vật lý bằng cách giảm nhịp tim, huyết áp và căng cơ

Các kỹ năng thư giãn bao gồm:

  • Hít thở sâu (tập trung thực hiện việc hít thở sâu và chậm)
  • Tưởng tượng (hình dung về một nơi yên bình và để các cơ được thư giãn)
  • Để tâm (chỉ tập trung vào hiện tại, không phán xét và không nghĩ về quá khứ hay tương lai)
  • Giãn cơ tăng dần (co và giãn cơ thể, mỗi lần một nhóm cơ)

Tôi có thể chăm sóc con tôi như thế nào?

  • Hỗ trợ con bạn. Để con bạn nói về những sự kiện hoặc thay đổi gây căng thẳng. Sự hỗ trợ và thông cảm mà bạn mang đến có thể giúp con bạn chế ngự căng thẳng. Đảm bảo con bạn có thời gian dành cho bạn bè. Kiểm soát mọi việc với những trợ giúp khác.
  • Giúp con bạn học cách chế ngự căng thẳng.
    • Cố gắng xác định nguồn gốc của căng thẳng. Sau đó, cùng nhau giải quyết vấn đề để tìm cách chế ngự căng thẳng tốt nhất.
    • Dạy con bạn cách giải quyết xung đột. Cho con bạn biết về những thời điểm bạn giận dữ và căng thẳng và những việc bạn đã làm. Nêu ví dụ về những việc con bạn có thể làm trong tình huống tương tự.
    • Để con bạn đưa ra những quyết định đơn giản khi thích hợp. Vì căng thẳng thường khiến trẻ cảm thấy bất lực, bạn có thể giúp trẻ bằng cách cho trẻ thấy rằng trẻ có khả năng kiểm soát trong một số giai đoạn của cuộc đời. Ví dụ: bạn có thể xem xét việc để trẻ đưa ra quyết định về món ăn cho bữa tối hoặc những việc cần làm trong ngày.
    • Khuyến khích trẻ làm việc hết khả năng nhưng cố gắng không ép trẻ hoặc khiến trẻ cảm thấy bạn sẽ rất thất vọng nếu trẻ làm không tốt. Giúp trẻ đặt ra mục tiêu có hể đạt được. Giúp trẻ học cách nói "không".
    • Giúp trẻ cân bằng thời gian và dành thời gian cho việc tập thể dục, nghỉ ngơi, giữ liên lạc với bạn bè, đi ra ngoài và giải trí.
    • Duy trì lịch biểu đều đặn, chẳng hạn như ăn điều độ vào một giờ trong ngày và đi ngủ vào một giờ trong ngày.
  • Chăm sóc sức khỏe thể chất của con bạn. Đảm bảo con bạn có chế độ ăn lành mạnh, ngủ đủ và tập thể dục hàng ngày. Dạy trẻ em và trẻ vị thành niên tránh xa rượu, caffein, nicotin và ma túy.
  • Kiểm tra các loại thuốc của con bạn. Để giúp ngăn chặn vấn đề, cho nhà cung cấp dịch vụ y tế và dược sĩ của bạn biết tất cả các loại thuốc, phương pháp điều trị tự nhiên, vitamin và các chất bổ sung khác mà con bạn đang dùng.
  • Liên hệ nhà cung cấp dịch vụ y tế hoặc chuyên gia trị liệu của bạn nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào hay triệu chứng của con bạn không cải thiện hoặc có vẻ trở nên trầm trọng hơn.

Yêu cầu chăm sóc cấp cứu nếu con bạn hoặc trẻ vị thành niên có ý tưởng tự tử, tự làm hại bản thân hoặc làm hại người khác.

Developed by Change Healthcare.
Pediatric Advisor 2022.1 xuất bản bởi Change Healthcare.
Sửa đổi lần cuối: 2016-06-14
Xét duyệt lần cuối: 2021-06-10
Nội dung này được xét duyệt định kỳ và có thể thay đổi khi có thông tin y tế mới. Thông tin nhằm mục đích cung cấp tin tức và giáo dục và không thay thế cho các đánh giá, tư vấn, chẩn đoán hay điều trị y tế từ một chuyên gia y tế.
© 2022 Change Healthcare LLC and/or one of its subsidiaries
Page footer image